Đang là trưởng nhóm, nhận lương 20 triệu đồng mỗi tháng và được sếp rất tín nhiệm, Huỳnh Đông bất ngờ xin nghỉ việc vì một cộng sự thân thiết chuyển công ty.
Chàng trai 26 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội gắn bó với vị trí này hơn hai năm, lâu nhất trong các nơi từng làm. Đông cho rằng điều kiện tiên quyết để gắn bó với công việc là môi trường làm việc vui vẻ, đồng nghiệp thân thiện, cấp trên tâm lý. Lương thưởng chỉ quyết định 50%.
Tìm được người cùng chí hướng, chung sở thích ở công ty mới khiến chàng trai 26 tuổi dự định gắn bó lâu dài. Nhưng ba tháng trước, một thành viên trong nhóm bất ngờ nghỉ việc vì mâu thuẫn với cấp trên. Quyết định này khiến Đông hụt hẫng, mất chỗ dựa tinh thần nên quyết định cũng nộp đơn, bất chấp gia đình phản đối. Thậm chí, 5 nhân sự Gen Z mà anh đang quản lý cũng đồng loạt nghỉ, ngỏ ý muốn theo tìm công việc mới.
“Phải vui vẻ, thoải mái, đồng nghiệp gắn kết mới làm việc được, còn không thì lại nhảy việc, coi như là cơ hội để thử thách cái mới”, Đông nói.
Huỳnh Đông trong chuyến du lịch đến các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tìm việc mới năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thảo Ngân, 25 tuổi, ở Hà Nội khiến mọi người trong gia đình ngạc nhiên vì chỉ ưu tiên làm việc từ xa nhằm hạn chế tiếp xúc với đồng nghiệp, cấp trên, tránh mâu thuẫn, căng thẳng không cần thiết.
Khác với nhiều freelancer cố gắng nhận thêm dự án để tăng thu nhập, cô gái trẻ làm vừa đủ, duy trì mức lương 7 triệu đồng một tháng. Thu nhập chỉ đủ trang trải sinh cuộc sống nhưng Ngân thấy hài lòng bởi vui vẻ, không phải tăng ca.
Ngoài 8 tiếng làm việc, mỗi tối cô gái 25 tuổi đi tập yoga, cuối tuần tìm địa điểm gần thành phố để “chữa lành”. Thi thoảng cô cũng rủ bạn bè đi du lịch xa, nếu thiếu tiền lại vay mượn.
Ở độ tuổi 25, Ngân không sở hữu tài sản gì và cũng không có ý định tiết kiệm để mua nhà, xe mà chỉ muốn tận hưởng cuộc sống. Cô nói cuộc sống mà cứ phải lo lắng quá nhiều cho tương lai sẽ khiến mệt mỏi, chán nản, dễ xuống tinh thần.
“Người trẻ đang theo đuổi lối sống hiện sinh – tức chỉ ưu tiên hiện tại, sống cho hiện tại”, PGS.TS Trần Thành Nam, Hiệu phó trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận xét về phong cách sống của Đông và Ngân. “Gen Z thường sống theo cảm xúc, không nghĩ nhiều đến tương lai”, ông Nam nói.
Giải thích cho điều này, ông Nam cho rằng sống trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và AI lên ngôi khiến người trẻ quá tải về tri thức và thông tin, dễ mất định hướng. Họ cũng nảy sinh suy nghĩ dù có cố gắng, tích lũy cũng không đạt được ước mơ, kỳ vọng của người khác đặt lên mình.
Bên cạnh đó, một số người trẻ ảo tưởng về khả năng của bản thân, thiếu kinh nghiệm thực tế, khi gặp thất bại, khó vực dậy. Họ cũng mong muốn tìm nơi làm việc có “sếp dễ tính, đồng nghiệp dễ thương, khách hàng phải dễ chịu, chế độ dễ thở thay vì lương cao”, trong khi bản thân không muốn thích nghi.
Ông Nguyễn Viết Chung, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng người sống thiên về cảm xúc có ưu điểm là kết nối với người xung quanh tốt hơn, giải tỏa được áp lực, stress trước mắt. Nhưng về lâu dài, việc để cảm xúc dẫn dắt không tốt. Như trong công việc, nếu đặt cảm xúc cá nhân thể hiện sự yêu, ghét với đồng nghiệp, không tập trung làm việc khiến họ trở nên tiêu cực, kìm hãm sự phát triển.
Như Huỳnh Đông, nghỉ việc không kế hoạch khiến anh thất nghiệp trong thời gian dài, sống dựa vào chu cấp của bố mẹ. Nhóm đồng nghiệp từng hứa sẽ làm chung nay cũng tan đàn xẻ nghé, bám víu vào công việc lương thấp hơn. “Có lẽ lúc đó tôi nên bình tĩnh nói chuyện cùng đồng nghiệp, trao đổi với cấp trên để tìm tiếng nói chung thay vì bốc đồng, cho mình luôn đúng”, Đông nói.
Còn với Thảo Ngân, không có tiền dự phòng khiến nhiều lần đi viện hoặc cần gấp đều phải vay bạn bè. Nhưng quen lối sống hưởng thụ, cô gái trẻ nói thay vì tăng thu nhập sẽ cố co kéo trong 7 triệu đồng mỗi tháng, tránh áp lực.
Là một Gen Z, Minh Hoa, 27 tuổi, phủ nhận quan điểm “quyết định của người trẻ thường bồng bột, thiếu lý trí”. Cô là trưởng nhóm sản xuất phim hoạt hình với 20 nhân viên Gen Z ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhận thấy người trẻ dù sống thiên về cảm xúc nhưng các quyết định nhảy việc, lựa chọn tình cảm đều có nguyên nhân.
Theo Hoa, hầu hết các nhân sự cô quản lý đã có “kinh nghiệm nhảy việc” vì muốn được thử thách cái mới, cảm thấy công việc cũ không còn phù hợp hoặc đơn giản là thấy không học hỏi được nhiều kỹ năng từ cấp trên. Họ cũng không ngần ngại việc tranh luận để bảo vệ quan điểm cá nhân. Nhưng Gen Z cũng rất thông minh, nhanh nhẹn, bắt kịp xu hướng, mạnh dạn giao tiếp và sẵn sàng cống hiến hết mình nếu tìm được công việc ưng ý.
“Họ có thể là con ngựa bất kham, nhưng biết cầm cương và điều chỉnh, nhóm nhân sự này không thua kém các thế hệ đi trước. Mỗi thế hệ một góc nhìn, không thể áp đặt một chuẩn mực chung”, nữ quản lý 27 tuổi nói.
Cô cũng cho biết đa phần Gen Z trong nhóm mình đều gắn bó với công việc hiện tại 2-3 năm vì hiểu rõ bản thân muốn gì, đã xác định được mục tiêu.
Thảo Ngân trong lần đi cà phê gặp gỡ bạn bè ở Hà Nội tháng 5/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Để tránh rơi vào trường hợp chỉ sống theo cảm xúc, ảnh hưởng đến tương lai, PGS.TS Trần Thành Nam khuyên Gen Z và nhà tuyển dụng đều cần thay đổi.
Về phía cấp quản lý, cần phải nắm bắt mong muốn của nhân viên, tạo điều kiện để người lao động cảm nhận được tôn trọng, có cơ hội phát triển, được thử thách. So với các thế hệ trước, Gen Z thiếu tính kiên trì nên cần được rèn luyện, gặp khó khăn có thể vượt qua. Họ cũng không quan trọng về thứ bậc trong công ty do vậy các cấp lãnh đạo nên định hướng, dẫn dắt thay vì ra lệnh.
Đặc biệt, khi Gen Z dần là lao động chủ lực, các nhà tuyển dụng phải chấp nhận việc nhân viên không gắn bó với một công việc mà luôn thay đổi để khám phá cái mới.
Còn với Gen Z, mỗi cá nhân cần phải trang bị tư duy sáng tạo, phản biện, xây dựng kỷ luật bản thân và biết phối hợp với đồng đội để tăng hiệu suất làm việc.
Chuyên gia Nguyễn Viết Chung cho rằng những người có cảm xúc quá mãnh liệt, không kiểm soát được hành vi là biểu hiện của những bệnh lý về trầm cảm, lo âu. Những trường hợp này có thể tìm đến các cơ sở uy tín để được điều trị tâm lý hoặc tham gia lớp dạy về EQ (trí tuệ cảm xúc), cân bằng cảm xúc có chứng chỉ, bằng cấp của cơ quan chủ quản chất lượng.
Thùy Linh, ở quận Bình Thạnh, TP HCM từng trải qua 10 mối tình nhưng không bền lâu do tính cả thèm chóng chán, yêu đương phụ thuộc vào cảm xúc. Mới đây cô đã chi vài triệu đồng đăng ký khóa học ngắn hạn về cân bằng EQ, điều tiết cảm xúc. Linh nói dần học được cách lắng nghe, bình tĩnh xử lý từng vấn đề, biết cách quan tâm, nắm bắt sở thích, tính cách của từng người để tạo thiện cảm.
“Năng lực chỉ là một phần, để thành công và có niềm vui khi đi làm, tôi cần cân bằng cảm xúc của bản thân, học cách tôn trọng suy nghĩ của người khác”, Linh nói.